Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

[Tin] Thấm sâu văn hóa phục vụ nhân dân

Thấm sâu văn hóa phục vụ nhân dân

Cập nhật: Thứ năm, 25/8/2011 - 0h0'

(Cadn.com.vn) - Hội thảo “Xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” do CATP Đà Nẵng tổ chức vừa khép lại với nhiều tham luận sâu sắc, đầy tâm huyết, mở ra nhiều hướng rất khả thi để thực hiện trong văn hóa ứng xử của CBCS CATP.
Nhiều vị cao niên, có uy tín trong giới văn hóa, học thuật như các học giả Nguyễn Đình An, Bùi Công Minh; hoặc đang giữ cương vị quan trọng của TP như Th.S Bùi Văn Tiếng – Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Võ Công Trí – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy;  đã từng giữ cương vị quan trọng của lực lượng CA như đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm – nguyên Giám đốc CAQN-ĐN, cùng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy đương nhiệm của các đơn vị, địa phương thuộc CATP có mặt trong hội thảo đã nói lên tầm quan trọng và sự thu hút của một chủ đề rất thiết thực hiện nay không chỉ đối với lực lượng CAND.
Các tham luận trình bày tại hội thảo mang đến nhiều tư liệu quý có sức thuyết phục cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn để biện giải và đặt ra nhiều yêu cầu thiết thực làm căn cứ, tiền đề, cùng những chuẩn mực cụ thể làm thước đo để “Xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” trong lực lượng CATP .
Điều dễ nhận ra trong hội thảo là tâm huyết, trăn trở của các diễn – thính giả với công tác xây dựng lực lượng CAND. Các diễn giả đã đầu tư nghiên cứu công phu, sâu sắc chủ đề hội thảo để chỉ ra những vấn đề cốt lõi, những ưu điểm cùng những tồn tại thiếu sót trong ứng xử của CBCS trong lực lượng CA, qua đó đặt ra những chuẩn mực thực hiện phép ứng xử trong công tác, chiến đấu, trong quan hệ đời thường của CBCS CAND dưới góc nhìn văn hóa, pháp luật, nhân văn.
Những tham luận “đầy chất” với hàm lượng trí tuệ, được chắt lọc, kiểm nghiệm qua thực tiễn công tác, soi rọi từ những đúc kết từ lịch sử của các học giả có uy tín, những nhà làm công tác tổ chức, tuyên giáo về văn hóa ứng xử đã cho thấy “Xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” là vấn đề không mới, nhưng luôn luôn mới. Không mới vì đấy là vấn đề chúng ta đã làm trong suốt quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nó đòi hỏi mỗi cán bộ phải là công bộc của dân, là đầy tớ thật trung thành và tận tụy với dân. Muốn làm được điều đó tự thân mỗi hành xử của cán bộ trong thực thi công vụ và trong cuộc sống đời thường phải bao hàm là những hành vi có văn hóa và tôn trọng pháp luật. Cho rằng đây là vấn đề mới vì thực tiễn cuộc sống, chiến đấu, công tác của lực lượng CAND vẫn còn nhiều CBCS thiếu sót, sai lầm trong lời nói, hành vi, trong cách ứng xử đối với nhân dân, thậm chí có lúc, có nơi còn có hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó đòi hỏi phải “xây dựng nếp sống vì nhân dân phục vụ” trong lực lượng CAND nói chung, trong CATP nói riêng, biến nó thành yêu cầu chính, là công tác cần kíp trong  tổ chức, xây dựng lực lượng để làm cho mỗi CBCS khi thực thi công vụ hoặc trong cuộc sống đời thường luôn  là người có văn hóa, thượng tôn pháp luật.
Yếu tố văn hóa phục vụ nhân dân phải thấm sâu, trở thành nội tại, thành bản chất tốt đẹp trong ứng xử của mỗi CBCS CATP. Và, đó cũng là điều quan trọng nhất, là mục tiêu của hội thảo rất quan trọng này đặt ra. Để biến những nội dung đầy tâm huyết và khoa học của các tham luận, cùng những mục tiêu mà hội thảo đặt ra thành hiện thực, điều quan trọng là mỗi cấp ủy, lãnh đạo CA các đơn vị địa phương phải triển khai thực hiện, đưa “nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” thành nội dung thường xuyên trong công tác của đơn vị, địa phương mình, có vậy những mục tiêu và tâm huyết mới không dừng lại ở một cuộc hội thảo đơn thuần, hình thức.
Nguyễn Đức Dũng

CADN

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

[Bài viết] Người bảo vệ buổi bình minh - Đại tá Nam Hà

Kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh Nhân dân: Người bảo vệ buổi bình minh

Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2011 - 0h0'

Kỳ 1: Thứ gì nổi trên nước lụt?
(Cadn.com.vn) - Phòng Bảo vệ Chính trị (BVCT) CATP Đà Nẵng ngày nay kế thừa truyền thống vẻ vang của 2 đơn vị tiền thân là Phòng BVCT trực thuộc Ty An ninh Quảng Đà và Ty An ninh Quảng Nam, sau sáp nhập thành một đơn vị của Ty CA Quảng Nam - Đà Nẵng (1975) rồi lại chia tách thành 2 đơn vị của CATP Đà Nẵng và CA tỉnh Quảng Nam (1997). Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, Phòng BVCT lại quy tụ nhiều cán bộ, trinh sát giỏi của Hải Phòng, Thanh Hóa cùng nhiều địa phương anh em, rồi từ đây, nhiều CBCS phân tán về với Quảng Nam khi tách tỉnh. Tách - nhập, quy tụ - phân tán là do lịch sử tạo nên, nhưng xuyên suốt quá trình ấy là bảng vàng những chiến công xuất sắc còn ghi đậm dấu ấn trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, được Đảng và nhân dân ghi nhận. Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12-7-1946 – 12-7-2011), Báo Công an TP Đà Nẵng điểm lại những chiến công nổi bật sau ngày đất nước thống nhất của Phòng BVCT qua hồi ức Đại tá Nam Hà - nguyên Phó Giám đốc CA Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) và Đại tá - Nhà thơ Trần  Xuân Thành, nguyên Phó Chỉ huy Ban An ninh, CA QN-ĐN.

- Tụi hắn cướp chính quyền tới nơi rồi kìa!
Đồng chí Nam Hà, Bí thư Chi bộ Phòng BVCT Ty CA Quảng Nam – Đà Nẵng phụ trách mảng chống gián điệp nghe câu này khi ghé H. Thăng Bình vào một ngày tháng 7-1975.
Ông Nam Hà giờ đây đã là một ông lão tóc bạc trắng, sống bình dị trong căn nhà cũ trong con hẻm đường Ông Ích Khiêm. Ông kể: “Ngày 10-10-1975, Ty CA Quảng Nam và Ty CA Quảng Đà sáp nhập thành Ty CA QN-ĐN. Lúc đó Phòng BVCT chưa có chức danh Trưởng phòng, anh Lê Lực, Phó ty, phụ trách chung. Tôi và các anh Trần Xuân Thành, Cao Xuân Thuyết, Trần Khắc Ảm phụ trách mỗi người một mảng. Hồi đó mới giải phóng, khói súng còn chưa tan, công tác BVCT nặng lắm. “Mặt trận Hải Âu” là một trong những vụ án lớn nhất mà ta phá được ngay trong năm 1975. Vụ này ban đầu do anh Trần Xuân Thành, phụ trách mảng chống phản động chỉ huy, anh Lê Lực chỉ đạo trực tiếp, nhưng sau đó chuyển sang tôi chỉ huy, anh Hoàng Văn Lai - Trưởng Ty, trực tiếp chỉ đạo”.
Thực ra, đã phát hiện nhóm đối tượng khả nghi từ tháng 7-1975, nhưng mãi đến tháng 11-1975, Ty CA QN-ĐN vẫn chưa thu thập thêm được manh mối nào, nên chưa lập chuyên án mà mới chỉ lập “hiềm nghi” mang bí số TB75 và có lúc đã định ngừng. Thế nhưng, trước đó, khi đi từ Núi Thành về đến Thăng Bình, ông Nam Hà có trao đổi với một cơ sở. Ông Nam Hà nhớ như in cuộc trao đổi này:
- Tình hình có chi không?
- Có chi là có chi! Tụi hắn sắp cướp chính quyền tới nơi rồi kìa.
- Thiệt không?
- Đi mà hỏi tụi thằng X, Y, Z là biết liền.
Đại tá Nam Hà thời làm Trưởng Phòng BVCT Ty
CA Quảng Nam – Đà Nẵng. Ảnh: NVCC 
Theo các nguồn tin cơ sở báo cho đồng chí Nam Hà, một nhóm đối tượng trong hiềm nghi TB75 gồm Tin, Hùng đã may áo quần, chuẩn bị vũ khí, vạch kế hoạch tấn công Thăng Bình rồi. Sau khi đồng chí Nam Hà báo cáo, Trưởng Ty CA QN-ĐN Hoàng Văn Lai nói với đồng chí Phó Ty phụ trách Phòng BVCT Lê Lực, đại ý: Anh tạm thời quản lý luôn mảng chống gián điệp, để Nam Hà lo vụ Thăng Bình, đồng chí ấy chỉ chuyên tâm vô một vụ ni cho đến khi phá được mới thôi. Bắt đầu từ đây, “hiềm nghi” TB75 được lập thành Chuyên án TB75, do đồng chí Hoàng Văn Lai làm trưởng ban chuyên án, đồng chí Nam Hà làm thành viên thường trực.
Ông Nam Hà kể: “Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đề nghị các đồng chí Nguyễn Hạnh Kiểm, Nguyễn Thành Long, Phạm Thị Xuân và một số TS dày dạn khác của Phòng BVCT cùng tham gia. Anh Long cắm ở Quế Sơn, anh Kiểm và anh Ân (người gốc Quế Sơn) cắm ở Thăng Bình, chị Xuân cắm ở Tam Kỳ, sau chuyển sang Thăng Bình hỗ trợ anh Ân, anh Kiểm. Về phía địa phương thì có anh Nhuận - Phó CAH Quế Sơn và anh Tấn - Phó CAH Thăng Bình cùng tham gia”.
Sau gần một tháng điều tra, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và trải qua những tình huống khó khăn, cuối cùng, Ban Chuyên án TB75 đã bóc tách lớp vỏ dày của Mặt trận Hải Âu, dần dần thu thập tư liệu, chứng cứ về một trong những tổ chức phản động có vũ trang đầu tiên trên đất QN-ĐN sau ngày giải phóng. Ông Nam Hà kể: “Bọn chúng lấy lực lượng gọi là Thanh - Sinh - Việt - Quốc. Thanh là thanh niên. Sinh là sinh viên. Việt là Việt Nam. Quốc là Quốc dân Đảng. Chúng tập hợp nhau trong một tổ chức gọi là Mặt trận Hải Âu, hoạt động chủ yếu ở Thăng Bình. Âm mưu ngông cuồng của bọn chúng là cướp chính quyền ở Thăng Bình, sau đó mở rộng ra Quế Sơn, Tam Kỳ, Huế, Bình Định..., gây tiếng vang, để theo đà thắng lợi nổi lên cướp chính quyền cách mạng! Tổ chức này ban đầu do tên Tin cầm đầu, nhưng bộ não của nó là tên Hùng và cánh tay mặt là tên Ba (tự nhận là Phó Chỉ huy Mặt trận Hải Âu)”.
Trong số đối tượng cầm đầu Mặt trận Hải Âu, đáng chú ý là tên Hùng, trước học linh mục ở Quy Nhơn nhưng chưa thành. Bên ngoài, Hùng không hề giữ bất kỳ chức vụ gì trong Mặt trận Hải Âu. Tuy nhiên, TS Chuyên án TB75 xác định, thực chất bên trong, Hùng là lãnh đạo cấp cao. Anh trai Hùng cũng tham gia tổ chức phản động này. Hai anh em sử dụng chính căn nhà của Hùng để cùng các đối tượng khác tổ chức may áo quần đồng phục cho quân “khởi nghĩa”, may cờ Quốc dân ĐảNG và đào hầm chôn vũ khí ở nhà bên cạnh.
Những người tham gia chế độ cũ đăng ký khai báo với chính quyền cách mạng
sau giải phóng. 
Sau khi thu thập đủ tư liệu, chứng cứ, ngày 19-12-1975, Ban Chuyên án quyết định phá án, lôi toàn bộ các đối tượng cầm đầu trong Mặt trận Hải Âu ra ánh sáng. Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Ban Chuyên án TB75 đã, có thể nói theo từ ngữ hiện nay, “cứu một bàn thua trông thấy”. Bởi, vào nửa cuối tháng 11-1975 thì chuyên án mới triển khai, đến đầu tháng 12-1975 mới thu thập được tư liệu, chứng cứ. Thế nhưng, không ai lường trước rằng, nhóm đối tượng Mặt trận Hải Âu đã định trước ngày giờ “khởi nghĩa” là 20-12-1975, đúng một ngày trước khi nhóm lãnh đạo bị ta bắt giữ. Nghĩa là, hoặc chỉ ngần ngừ một thời gian ngắn nữa, hoặc Ban chuyên án thất bại, thì rất có thể bọn phản động đã kịp ra tay!
Ông Nam Hà nhớ lại, sau thắng lợi của Chuyên án TB75, ông Hồ Nghinh - Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN thăm chúc mừng tập thể Phòng BVCT và các thành viên Ban chuyên án. Ông Hồ Nghinh đánh giá rất cao thắng lợi của lực lượng an ninh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng: Thắng lợi của Chuyên án TB75 chỉ ví như “quàu được mớ rèo rác nổi bên trên, còn cây gỗ to trôi chìm trong lòng nước lụt thì vẫn chưa vớt lên được”.
“Cây gỗ to” mà ông Hồ Nghinh đề cập là gì?
Nguyễn Lê
(còn nữa)
CADN

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

[Bài viết] Những ngày đầu giải phóng - Đại tá Vũ Đình Cảnh

Kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2011): Những ngày đầu giải phóng

Cập nhật: Thứ ba, 29/3/2011 - 0h0'

(Cadn.com.vn) - Để nắm tình hình địch, Ban An ninh Khu 5 (BANK5) điều động một số đồng chí thành lập 3 tổ điệp báo. Đồng chí Hoàng Lượng, phụ trách tổ ở Nha Trang, thủ phủ Quân khu 2 ngụy; đồng chí Nguyễn Đăng Vự, phụ trách tổ TX Quảng Ngãi; còn tôi phụ trách tổ ở Đà Nẵng, thủ phủ của Quân khu I. Tổ của tôi còn có đồng chí Nguyễn Hạnh Kiểm (nguyên Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) và anh Nguyễn Hòa được rút từ Ban An ninh ĐặC khu Quảng Đà (BANĐKQĐ) lên. Sau đợt tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, sáng 15-3-1975, tôi được gọi gấp về BANK5 nhận lệnh. Sau hơn một ngày đi bộ về căn cứ, tôi được truyền đạt Nghị quyết Khu ủy 5 là quyết tâm giải phóng Đà Nẵng. Anh Nguyễn Sanh Châu, Trưởng BANK5 giao nhiệm vụ cho tổ chúng tôi phải bám sát địa bàn, chuẩn bị lực lượng, xây dựng cơ sở nội thành phục vụ cho việc tiếp quản Đà Nẵng. Các loại tài liệu, danh sách các trụ sở, nơi ở của các tên ác ôn, tình báo, gián điệp, cảnh sát, chiêu hồi, các tổ chức phản động... được soát xét lại lần cuối cùng.
Các đồng chí lãnh đạo BANĐKQĐ. 
Ngày 16-3, tôi xuống địa bàn, trên đường đi gặp đồng chí Hoàng Văn Lai, Trưởng BANĐKQĐ, đồng chí Lai hỏi:  “Ban gọi anh về có việc chi?”. “Nhận lệnh giải phóng Đà Nẵng” - tôi trả lời nhanh. Khi tôi xuống địa bàn phổ biến Nghị quyết của Khu ủy và tách ra thành 2 mũi bám sát thành phố. Cơ sở báo lúc này tình hình địch ở Đà Nẵng rất rối loạn. Ngày 24-3, ta cắt đường rút của ngụy, giải phóng TX Tam Kỳ. Ngày 26-3, địch rút chạy khỏi Huế, số đông ngụy quân, ngụy quyền đổ dồn về Đà Nẵng. Ngày 28-3, pháo của ta bắt đầu nã vào sân bay Đà Nẵng và quân ta chiếm lĩnh được một vài vị trí trọng yếu. Sáng 29-3, các lực lượng vũ trang ồ ạt tiến vào thành phố. Tôi và đồng chí Nguyễn Hạnh Kiểm cũng có mặt trong giờ phút lịch sử ấy. Chúng tôi mặc bộ đồ quân giải phóng, đeo súng K59, đội mũ tai bèo vào thành phố. Lúc này binh lính, cảnh sát, thương phế binh ngụy trút bỏ hết quân phục, súng đạn chạy loạn xạ trên phố. Dân hai bên đường nhìn tôi và anh Kiểm với vẻ rất lạ lùng. Tôi nghe ai đó nói: “Giải phóng cũng như mình chứ có chi khác đâu hè”. Anh Kiểm đưa tôi đến nhà một cơ sở của anh tại đường Thống Nhất. Được cơ sở hướng dẫn, chúng tôi trưng dụng chiếc xe của một đại tá ngụy ở gần đó đã chạy thoát thân vài hôm trước và cùng cơ sở biết lái xe đi làm nhiệm vụ. Xe chúng tôi tức tốc ập tới Tòa Tổng lãnh sự Mỹ. Đến nơi, thấy cổng mở, bàn ghế ngổn ngang nhưng tài liệu không còn và thấy lò thiêu tài liệu vẫn còn nóng hổi. Xe chúng tôi tiếp tục chạy sang Trại Huấn luyện biệt kích ở Sơn Trà, thu được một số tài liệu quan trọng. Tại đây, các trang thiết bị, vũ khí của biệt kích vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi khóa cổng, dán niêm phong của Ủy ban Quân quản (UBQQ). Lúc này, phía ngoài biển có 3 chiếc tàu lớn, quân lính chen chúc, xô đẩy lẫn nhau để lên tàu. Thỉnh thoảng lại có tiếng súng từ xa vọng lại. Người lái xe cười bảo: “Mấy bữa trước, trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng I chiến thuật tuyên bố sẽ tử thủ Đà Nẵng và nếu cộng sản vào được Đà Nẵng phải bước qua xác hắn thế mà bây giờ đã chuồn đâu mất tiêu rồi”.
Xe chúng tôi tiếp tục chạy tới Nha Cảnh sát Trung phần, phân công lực lượng canh giữ các kho vũ khí, tài liệu, trang thiết bị quân sự. Biết bộ phận tiền phương của BANĐKQĐ do anh Hoàng Văn Lai chỉ huy đã chiếm lĩnh được Ty Cảnh sát Gia Long ngụy, chúng tôi đến báo cáo một số tình hình với anh. Anh bảo: “Lực lượng ta đang có mặt trong thành phố. Một vài đơn vị  đã chiếm giữ trọn vẹn được sân bay, tòa thị chính, nhà máy điện, nhà máy nước.
Lực lượng ANĐKQĐ trước ngày giải phóng Đà Nẵng. 
Tối đến, tại Ty Cảnh sát Gia Long, anh Lai nghe các cánh quân của BANĐKQĐ và tổ công tác của chúng tôi báo cáo tình hình trong ngày và triển khai nhiệm vụ. Anh nói: “Cầu trên QL1 đã bị địch phá, lực lượng chủ lực đang bắc cầu phao để tăng cường quân vào. Theo tài liệu của chúng ta, hiện nay, toàn thành phố có khoảng 10 vạn tên địch, chúng ta cần phải biết chúng đang ở đâu, đặc biệt là những đối tượng nguy hiểm để kêu gọi trình diện và truy bắt”. Anh Hoàng Văn Lai báo cáo Chủ tịch UBQQ bắt đầu làm thủ tục trình diện vào ngày 31-3. Sau một lát nhíu mày suy nghĩ, anh Lai hỏi: “Lực lượng BANĐKQĐ lâu nay làm công tác đánh địch, diệt ác, phá kiềm, chưa có kinh nghiệm làm các thủ tục trình diện. Ai có ý kiến gì hay về việc này không?”. Tôi và anh Vọng là cán bộ CA chi viện cho BANĐKQĐ. Anh Vọng đã từng làm công tác đăng ký trình diện tại CATP Hà Nội khi giải phóng thủ đô (10-1954), còn tôi cũng đã làm công tác này khi giải phóng TP Hải Phòng nên đề xuất ý kiến. Hai anh em chúng tôi nêu ra một số công việc phải làm gấp. Thế là lời hiệu triệu, tuyên truyền được giao cho Ban Tuyên giáo tỉnh, mẫu mã, nội dung khai báo, giấy chứng nhận trình diện… do tôi và anh Vọng soạn thảo rồi cho in ấn ngay. Cấp tỉnh chịu trách nhiệm đăng ký trình diện số sĩ quan từ đại úy trở lên, các đối tượng cầm đầu đảng phái phản động, số còn lại giao cho UBQQ cấp quận và cho xe đi các ngả đường kêu gọi đăng ký trình diện.
Sáng 3-4, rất đông người xúm đến trước trụ sở Tòa án trên đường Bạch Đằng, địa điểm đăng ký trình diện của UBQQ nhưng rất lâu vẫn không thấy ai vào bàn đăng ký vì họ sợ bị cách mạng bắt. Gần trưa mới có một người trông vẻ trí thức, mặc bộ veston, thắt cà vạt, đội mũ phớt bước vào bỏ mũ chào tôi. Sau khi ngồi, ông ta chìa tấm thẻ với chức danh Tỉnh phó Hội An. Tôi làm thủ tục đăng ký và cấp giấy đã trình diện cho ông ta và bảo về nhà. Ông ta ngạc nhiên hỏi lại: “Thưa ông, tôi được tự do?”. “Đúng vậy, ông cứ về tiếp tục khai báo những việc đã yêu cầu trong mẫu này” - tôi nói như khẳng định. Nét mặt ông ta hớn hở, lộ rõ sự vui mừng. Thấy ông ta bình thản bước ra ngoài, 2 người khác từ bên ngoài bước vào, họ đưa ra 2 giấy chứng minh mang quân hàm cấp trung tá Quân khu I ngụy. Sau khi căn dặn, tôi cấp giấy chứng nhận để họ ra về. Thấy sĩ quan cỡ bự cấp tá  ra trình diện rồi về lại gia đình, nên buổi chiều họ xô đẩy nhau để được vào trình diện sớm, trong đó có người đưa giấy tờ để chứng minh mình là thủ quỹ kho bạc Đà Nẵng rồi đưa cho tôi chùm chìa khóa và nói rằng kho bạc hiện còn nguyên vẹn. Anh ta còn đưa cho tôi một số mẫu tiền ngụy quyền Sài Gòn giả để tiện việc phân biệt. Lát sau, một thiếu tá bảo quản kho tài liệu của cơ quan tình báo “Biệt đội sưu tầm” vào trình diện. Tôi mừng quá, bởi đó là những tài liệu rất cần thiết mà chúng tôi chưa thu giữ được. “Kho tài liệu ở đâu, còn không?” - tôi hỏi gấp gáp. “Dạ, thưa ông, còn nguyên, tôi vừa ở đó tới đây ” - anh ta trả lời. Thế là tôi cùng anh Kiểm lên xe đến ngay kho tài liệu trên đường Nguyễn Du thì thấy một đơn vị bộ đội thông tin đang tiếp quản. Lúc này bộ đội đang vứt bừa bãi tài liệu, giấy tờ trong kho ra ngoài để có chỗ nghỉ. Tôi và anh Kiểm gặp người chỉ huy của đơn vị, xuất trình giấy chứng nhận sĩ quan BANK5 và đề nghị đơn vị chuyển toàn bộ tài liệu vào một phòng lớn rồi  tiến hành niêm phong, giao cho quân đội bảo vệ...
Ngày 3-4, Đoàn công tác binh vận, Bộ Quốc phòng đến yêu cầu tiếp nhận công tác đăng ký trình diện. Anh Hoàng Văn Lai đồng ý giao cho quân đội và lực lượng an ninh tiếp tục nắm thông tin các tình báo, gián điệp, cảnh sát, nhân viên ngụy quyền để có kế hoạch xử lý phù hợp. Ngày 4-4, một đoàn cán bộ mang giấy giới thiệu của Ngân hàng Trung ương do anh lính quản lý kho bạc hôm nọ dẫn đến. Đoàn công tác đề nghị tôi giao chùm chìa khóa các két sắt để Ngân hàng quản lý.
Ngày 5-4, thấy số binh lính trình diện thưa dần và dứt hẳn, anh Hoàng Văn Lai ra lệnh cho lực lượng an ninh phối hợp với tổ công tác của chúng tôi tiến hành truy bắt các đối tượng ngoan cố, không chịu trình diện và qua đó một số đối tượng đã bị bắt, khám xét, thu giữ được nhiều tài liệu quan trọng. Cơ sở của anh Nguyễn Hạnh Kiểm phát hiện một Bộ trưởng của chính quyền Sài Gòn ra công cán ở Đà Nẵng bị kẹt lại, đang ở trong nhà người thân, không chịu khai báo. Tôi và anh Kiểm tức tốc đến nơi. Khi được tiếp cận chúng tôi, ông ta nhận ngay là Bộ trưởng KINH tế. Tôi hỏi vị Bộ trưởng: “Ông thấy tình hình Đà Nẵng mấy ngày qua ra sao?”. Ông ta trả lời: “Rất yên ổn. Tôi cứ tưởng cộng sản thế này, thế kia, ai ngờ các ông rất tốt. Các ông không phải như tôi và nhiều binh lính Việt Nam cộng hòa lầm tưởng”. Chúng tôi đưa ông ta về trụ sở, giải thích sự khoan hồng của cách mạng, đồng thời đề xuất với cấp trên cho ông ta về lại Sài Gòn để tuyên truyền rằng không có sự tắm máu, thanh trừng của cộng sản ở các vùng vừa được giải phóng như địch từng rêu rao. Được cấp trên chấp nhận, chúng tôi làm các thủ tục cần thiết rồi đưa ông ta vào Nha Trang, bàn giao cho tổ công tác của anh Hoàng Lượng để tiếp tục đưa vào Sài Gòn.
Ngày 9-4, 250 CBCS CATP Hải Phòng tăng cường cho lực lượng ANĐKQĐ bằng đường thủy. Tôi cũng có mặt trong tổ công tác của lực lượng ANĐKQĐ đón đoàn và tất cả số CBCS này được anh Hoàng Văn Lai bố trí ngay cho các đơn vị nghiệp vụ và an ninh quận để tiếp tục giữ gìn ANCT trong những ngày đầu Đà Nẵng mới giải phóng.
Thái Mỹ
Ghi theo lời kể của Đại tá Vũ Đình Cảnh,
nguyên cán bộ ANK5, Phó chỉ huy AN CATP Hải Phòng.
CADN

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

[Tin] Lãnh đạo CATP gặp mặt, tặng quà gia đình chính sách và cán bộ CA nghỉ hưu nhân dịp Tết Tân Mão 2011

Đà Nẵng: Lãnh đạo CATP gặp mặt, tặng quà gia đình chính sách và cán bộ CA nghỉ hưu nhân dịp Tết Tân Mão 2011

Cập nhật: Thứ hai, 24/1/2011 - 0h0'

(Cadn.com.vn) - Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011, ngày 22-1, Đảng ủy, Giám đốc CATP đã có buổi gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và 255 cán bộ CA đã nghỉ hưu hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Tại buổi gặp mặt, các cán bộ hưu trí có dịp giao lưu tình cảm, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình tham gia sinh hoạt, đóng góp xây dựng, phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT tại địa phương.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP đã thay mặt lãnh đạo và toàn thể CBCS trong toàn lực lượng CATP gửi lời thăm hỏi, động viên và chúc sức khỏe đến toàn thể cán bộ CA hưu trí và gia đình; đồng thời thông báo một số tình hình, hoạt động của lực lượng CATP trong thời gian qua. Đồng chí mong muốn các cán bộ CA đã nghỉ hưu với kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình công tác của mình sẽ thường xuyên đóng góp ý kiến để xây dựng lực lượng CATP ngày càng phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Hạnh Kiểm - Chủ nhiệm CLB CA hưu TP Đà Nẵng thay mặt toàn thể cán bộ CA hưu trí bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ CA, CATP đã dành cho các cán bộ CA đã nghỉ hưu và hứa sẽ cùng với toàn thể cán bộ CA hưu trí cống hiến sức mình để xây dựng lực lượng CATP ngày càng vững mạnh hơn.
Doãn Hùng
CADN