Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

[Bài viết] Người bảo vệ buổi bình minh - Đại tá Nam Hà

Kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh Nhân dân: Người bảo vệ buổi bình minh

Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2011 - 0h0'

Kỳ 1: Thứ gì nổi trên nước lụt?
(Cadn.com.vn) - Phòng Bảo vệ Chính trị (BVCT) CATP Đà Nẵng ngày nay kế thừa truyền thống vẻ vang của 2 đơn vị tiền thân là Phòng BVCT trực thuộc Ty An ninh Quảng Đà và Ty An ninh Quảng Nam, sau sáp nhập thành một đơn vị của Ty CA Quảng Nam - Đà Nẵng (1975) rồi lại chia tách thành 2 đơn vị của CATP Đà Nẵng và CA tỉnh Quảng Nam (1997). Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, Phòng BVCT lại quy tụ nhiều cán bộ, trinh sát giỏi của Hải Phòng, Thanh Hóa cùng nhiều địa phương anh em, rồi từ đây, nhiều CBCS phân tán về với Quảng Nam khi tách tỉnh. Tách - nhập, quy tụ - phân tán là do lịch sử tạo nên, nhưng xuyên suốt quá trình ấy là bảng vàng những chiến công xuất sắc còn ghi đậm dấu ấn trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, được Đảng và nhân dân ghi nhận. Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12-7-1946 – 12-7-2011), Báo Công an TP Đà Nẵng điểm lại những chiến công nổi bật sau ngày đất nước thống nhất của Phòng BVCT qua hồi ức Đại tá Nam Hà - nguyên Phó Giám đốc CA Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) và Đại tá - Nhà thơ Trần  Xuân Thành, nguyên Phó Chỉ huy Ban An ninh, CA QN-ĐN.

- Tụi hắn cướp chính quyền tới nơi rồi kìa!
Đồng chí Nam Hà, Bí thư Chi bộ Phòng BVCT Ty CA Quảng Nam – Đà Nẵng phụ trách mảng chống gián điệp nghe câu này khi ghé H. Thăng Bình vào một ngày tháng 7-1975.
Ông Nam Hà giờ đây đã là một ông lão tóc bạc trắng, sống bình dị trong căn nhà cũ trong con hẻm đường Ông Ích Khiêm. Ông kể: “Ngày 10-10-1975, Ty CA Quảng Nam và Ty CA Quảng Đà sáp nhập thành Ty CA QN-ĐN. Lúc đó Phòng BVCT chưa có chức danh Trưởng phòng, anh Lê Lực, Phó ty, phụ trách chung. Tôi và các anh Trần Xuân Thành, Cao Xuân Thuyết, Trần Khắc Ảm phụ trách mỗi người một mảng. Hồi đó mới giải phóng, khói súng còn chưa tan, công tác BVCT nặng lắm. “Mặt trận Hải Âu” là một trong những vụ án lớn nhất mà ta phá được ngay trong năm 1975. Vụ này ban đầu do anh Trần Xuân Thành, phụ trách mảng chống phản động chỉ huy, anh Lê Lực chỉ đạo trực tiếp, nhưng sau đó chuyển sang tôi chỉ huy, anh Hoàng Văn Lai - Trưởng Ty, trực tiếp chỉ đạo”.
Thực ra, đã phát hiện nhóm đối tượng khả nghi từ tháng 7-1975, nhưng mãi đến tháng 11-1975, Ty CA QN-ĐN vẫn chưa thu thập thêm được manh mối nào, nên chưa lập chuyên án mà mới chỉ lập “hiềm nghi” mang bí số TB75 và có lúc đã định ngừng. Thế nhưng, trước đó, khi đi từ Núi Thành về đến Thăng Bình, ông Nam Hà có trao đổi với một cơ sở. Ông Nam Hà nhớ như in cuộc trao đổi này:
- Tình hình có chi không?
- Có chi là có chi! Tụi hắn sắp cướp chính quyền tới nơi rồi kìa.
- Thiệt không?
- Đi mà hỏi tụi thằng X, Y, Z là biết liền.
Đại tá Nam Hà thời làm Trưởng Phòng BVCT Ty
CA Quảng Nam – Đà Nẵng. Ảnh: NVCC 
Theo các nguồn tin cơ sở báo cho đồng chí Nam Hà, một nhóm đối tượng trong hiềm nghi TB75 gồm Tin, Hùng đã may áo quần, chuẩn bị vũ khí, vạch kế hoạch tấn công Thăng Bình rồi. Sau khi đồng chí Nam Hà báo cáo, Trưởng Ty CA QN-ĐN Hoàng Văn Lai nói với đồng chí Phó Ty phụ trách Phòng BVCT Lê Lực, đại ý: Anh tạm thời quản lý luôn mảng chống gián điệp, để Nam Hà lo vụ Thăng Bình, đồng chí ấy chỉ chuyên tâm vô một vụ ni cho đến khi phá được mới thôi. Bắt đầu từ đây, “hiềm nghi” TB75 được lập thành Chuyên án TB75, do đồng chí Hoàng Văn Lai làm trưởng ban chuyên án, đồng chí Nam Hà làm thành viên thường trực.
Ông Nam Hà kể: “Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đề nghị các đồng chí Nguyễn Hạnh Kiểm, Nguyễn Thành Long, Phạm Thị Xuân và một số TS dày dạn khác của Phòng BVCT cùng tham gia. Anh Long cắm ở Quế Sơn, anh Kiểm và anh Ân (người gốc Quế Sơn) cắm ở Thăng Bình, chị Xuân cắm ở Tam Kỳ, sau chuyển sang Thăng Bình hỗ trợ anh Ân, anh Kiểm. Về phía địa phương thì có anh Nhuận - Phó CAH Quế Sơn và anh Tấn - Phó CAH Thăng Bình cùng tham gia”.
Sau gần một tháng điều tra, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và trải qua những tình huống khó khăn, cuối cùng, Ban Chuyên án TB75 đã bóc tách lớp vỏ dày của Mặt trận Hải Âu, dần dần thu thập tư liệu, chứng cứ về một trong những tổ chức phản động có vũ trang đầu tiên trên đất QN-ĐN sau ngày giải phóng. Ông Nam Hà kể: “Bọn chúng lấy lực lượng gọi là Thanh - Sinh - Việt - Quốc. Thanh là thanh niên. Sinh là sinh viên. Việt là Việt Nam. Quốc là Quốc dân Đảng. Chúng tập hợp nhau trong một tổ chức gọi là Mặt trận Hải Âu, hoạt động chủ yếu ở Thăng Bình. Âm mưu ngông cuồng của bọn chúng là cướp chính quyền ở Thăng Bình, sau đó mở rộng ra Quế Sơn, Tam Kỳ, Huế, Bình Định..., gây tiếng vang, để theo đà thắng lợi nổi lên cướp chính quyền cách mạng! Tổ chức này ban đầu do tên Tin cầm đầu, nhưng bộ não của nó là tên Hùng và cánh tay mặt là tên Ba (tự nhận là Phó Chỉ huy Mặt trận Hải Âu)”.
Trong số đối tượng cầm đầu Mặt trận Hải Âu, đáng chú ý là tên Hùng, trước học linh mục ở Quy Nhơn nhưng chưa thành. Bên ngoài, Hùng không hề giữ bất kỳ chức vụ gì trong Mặt trận Hải Âu. Tuy nhiên, TS Chuyên án TB75 xác định, thực chất bên trong, Hùng là lãnh đạo cấp cao. Anh trai Hùng cũng tham gia tổ chức phản động này. Hai anh em sử dụng chính căn nhà của Hùng để cùng các đối tượng khác tổ chức may áo quần đồng phục cho quân “khởi nghĩa”, may cờ Quốc dân ĐảNG và đào hầm chôn vũ khí ở nhà bên cạnh.
Những người tham gia chế độ cũ đăng ký khai báo với chính quyền cách mạng
sau giải phóng. 
Sau khi thu thập đủ tư liệu, chứng cứ, ngày 19-12-1975, Ban Chuyên án quyết định phá án, lôi toàn bộ các đối tượng cầm đầu trong Mặt trận Hải Âu ra ánh sáng. Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Ban Chuyên án TB75 đã, có thể nói theo từ ngữ hiện nay, “cứu một bàn thua trông thấy”. Bởi, vào nửa cuối tháng 11-1975 thì chuyên án mới triển khai, đến đầu tháng 12-1975 mới thu thập được tư liệu, chứng cứ. Thế nhưng, không ai lường trước rằng, nhóm đối tượng Mặt trận Hải Âu đã định trước ngày giờ “khởi nghĩa” là 20-12-1975, đúng một ngày trước khi nhóm lãnh đạo bị ta bắt giữ. Nghĩa là, hoặc chỉ ngần ngừ một thời gian ngắn nữa, hoặc Ban chuyên án thất bại, thì rất có thể bọn phản động đã kịp ra tay!
Ông Nam Hà nhớ lại, sau thắng lợi của Chuyên án TB75, ông Hồ Nghinh - Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN thăm chúc mừng tập thể Phòng BVCT và các thành viên Ban chuyên án. Ông Hồ Nghinh đánh giá rất cao thắng lợi của lực lượng an ninh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng: Thắng lợi của Chuyên án TB75 chỉ ví như “quàu được mớ rèo rác nổi bên trên, còn cây gỗ to trôi chìm trong lòng nước lụt thì vẫn chưa vớt lên được”.
“Cây gỗ to” mà ông Hồ Nghinh đề cập là gì?
Nguyễn Lê
(còn nữa)
CADN