Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

[Bài viết] Chuyện ngày ấy - Đại tá Lê Văn Bảy

Chuyện ngày ấy

Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2012 - 0h0'

(Cadn.com.vn) - Chuyện dưới đây do Đại tá Lê Văn Bảy, nguyên Phó Giám đốc CA Quảng Nam kể, cho thấy không khí sôi nổi, nhiều điều thú vị trong thời điểm chia tách tỉnh 15 năm trước. Qua câu chuyện, ta còn thấy rõ bước trưởng thành của CA Quảng Nam.
 Đại tá Lê Văn Bảy
Còn nhớ, cách đây hơn 15 năm (1-1-1997), tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc T.Ư. Theo đó, CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng được chia tách thành hai đơn vị trực thuộc Bộ. Trong không khí hân hoan được chào đón một đơn vị hành chính cấp tỉnh ra đời, tâm trạng của nhân dân, cán bộ và lực lượng CA Quảng Nam-Đà Nẵng thật khó mà tả xiết, mừng vui cũng nhiều nhưng lo toan cũng không ít.
Trong biết bao bộn bề công việc ấy, với trách nhiệm là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, tôi thấy nhiệm vụ của mình lúc bấy giờ càng nặng nề hơn bao giờ hết. Nhưng cũng chưa có một phương án nào có tính khả dĩ để tham mưu cho Ban giám đốc. Vậy nhưng lúc này, đồng chí Nguyễn Hạnh Kiểm (Giám đốc CA Quảng Nam – Đà Nẵng lúc này) đã có một quyết định mà cho đến nay tôi vẫn thấy là hết sức sáng suốt, đó là: “Nơi nào động thì cho động, nơi nào tịnh thì cố gắng giữ nguyên cho tịnh”. Tức là CA 14 huyện, thị, TP không động đến mà chỉ chia tách các đơn vị trực thuộc CA tỉnh. Trong 14 CA địa phương trực thuộc tỉnh lúc bấy giờ, theo đơn vị hành chính mới thì có 12 địa phương thuộc CA tỉnh Quảng Nam, chỉ còn CATP Đà Nẵng và H. Hòa Vang là trực thuộc CA Đà Nẵng. Nếu ổn định được các địa phương này thì sẽ giải quyết được tình hình ANTT ngay từ cơ sở, tạo điều kiện cho hai địa phương củng cố các đơn vị nghiệp vụ cấp tỉnh.
Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện cũng không dễ chút nào. Người tự nguyện ra đi thì ít, người bắt buộc phải chấp nhận thì nhiều, và người tìm đủ mọi lý do để ở lại cũng không phải là hiếm. Có một việc mà bây giờ kể lại, anh Nguyễn Hạnh Kiểm cũng bật cười, chứ hồi ấy anh không hề hay biết. Đó là đồng chí Hoan (Cục Trưởng Cục hồ sơ của Bộ) vào Quảng Nam-Đà Nẵng công tác trong dịp CA tỉnh đang bàn việc chia tách. Lúc bấy giờ, đồng chí Hoan cũng có người cháu đang công tác tại Phòng Hồ sơ, do vậy người cháu này nhờ đồng chí Hoan xin Ban giám đốc để được ở lại Đà Nẵng. Nể tình cháu, tối hôm đó đồng chí Hoan đến nhà anh Kiểm.
Sau khi rót nước mời chào, anh Kiểm mới giới thiệu với mấy người trong nhà là anh Hoan - Cục trưởng ở Bộ, vào công tác nhân tiện ghé thăm gia đình. Mẹ của anh Kiểm nghe nói có ông ở Bộ vào thăm liền nói: “Tôi chừ chỉ còn có mình hắn. Trong kháng chiến hắn cũng tham gia chống Mỹ, sau hòa bình hắn cũng đi Campuchia. Tổ chức phân công đâu hắn đi đó chứ chẳng nề hà gì. Nhưng chừ tôi già rồi, xin Bộ cho hắn được ở lại Đà Nẵng, chứ hắn phải đi vào Quảng Nam thì khó cho tôi quá”. Anh Hoan sau khi nghe vậy đành uống nước và hỏi thăm gia đình rồi ra về. Còn chuyện xin cho đứa cháu thì không nói được lời nào. Thế mới biết, cuộc ra đi ngày ấy có tác động đến tâm tư, tình cảm của mọi người, mọi nhà như thế nào.
 Lễ đón tiếp các cơ quan của tỉnh vào tỉnh lỵ Tam Kỳ (tháng 2-1997).
Khó khăn rồi cũng qua, cái gì đến rồi cũng phải đến. Mặc dù trong lúc chuẩn bị về nhân sự có nhiều tác động là vậy, nhưng đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền thì ý thức chấp hành của CBCS đã trở thành thường trực trong mỗi người, ai nấy đều lo thu xếp để lên đường. Khi vào đến Tam Kỳ, mọi việc càng khó khăn gấp bội, cả mấy trăm CBCS ở trong 3 dãy nhà tạm, thấp lè tè, vừa là chỗ làm việc, vừa là nơi ăn nghỉ. Có nhiều đồng chí tối phải ra ngủ nhờ nhà dân. Phương tiện và điều kiện công tác còn nhiều thiếu thốn. Trong khi đó, địa bàn thì mới, hoạt động của các loại tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp hơn khi tỉnh chưa vào.
Bằng bản lĩnh và trí tuệ của người CBCS CA, từ lãnh đạo đến CBCS, tùy theo nhiệm vụ và vị trí của từng người, mỗi đồng chí đều tìm mọi cách để khắc phục khó khăn, bắt tay vào nhiệm vụ mới. Điều đáng nói, chính từ trong khó khăn, thử thách mới thấy hết tình thương yêu, đùm bọc, chia ngọt xẻ bùi, đồng cam cộng khổ trong CBCS. Nhờ vậy, khối đoàn kết thống nhất trong suy nghĩ cũng như hành động ở từng đơn vị, từng tổ chức cơ sở Đảng được thể hiện khá rõ nét. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện của Bộ CA, những khó khăn ban đầu từng bước được tháo gỡ. Trụ sở cơ quan, phương tiện làm việc, các trang thiết bị phục vụ công tác ngày càng được tăng cường. Không khí làm việc và ý thức trách nhiệm của từng CBCS, từng đơn vị ngày càng đi vào thế ổn định. Đội ngũ cán bộ ngày một trưởng thành. Nhiều đồng chí được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy từ cấp đội đến cấp giám đốc. Chất lượng, hiệu quả công việc ngày càng tốt hơn, góp phần quan trọng đảm bảo ANCT, TTXH, tạo điều kiện cho KT-XH của tỉnh phát triển.
Cho đến bây giờ, sau hơn 15 năm nhìn lại, một CA Quảng Nam với bề dày truyền thống được tôi luyện qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng, của quê hương. Biết rằng vẫn còn học tập và phấn đấu nhiều hơn nữa, song lực lượng CA Quảng Nam có quyền tự hào về những gì mình đã làm được. Xứng đáng là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của các thế hệ CA tiền bối để giữ vững sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân trên quê hương đất Quảng anh hùng.
Bão Bình (ghi)
CADN