Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

[Ký sự] Những tháng ngày còn mãi (phần 2)

Những tháng ngày còn mãi (2)Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2015 - 7h0'

* Bài 2: Mấy anh giải phóng cũng giống mình thôi!
(Cadn.com.vn) - Ông Hoàng Văn Lai  được Ban Thường vụ cử ra cánh bắc Hòa Vang phổ biến nghị quyết của Tỉnh ủy và kiểm tra công tác an ninh. Trước khi đi, ông đề nghị với lãnh đạo BANK5 cho tổ điệp báo của ông Vũ Đình Cảnh, Nguyễn Hạnh Kiểm đi cùng để họ giúp lực lượng an ninh huyện và cơ sở về nghiệp vụ. Ông Hoàng Văn Lai đưa cho ông Vũ Đình Cảnh một tập giấy trắng, có đóng dấu “Ủy ban mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Đà” rồi nói: “Anh xuống đó cố gắng kết hợp với an ninh huyện chọn những đối tượng chủ chốt rồi dùng những tờ giấy này viết thư kêu gọi, tức là tấn công chính trị”. Sau vài ngày hướng dẫn công tác nghiệp vụ an ninh, ông Vũ Đình Cảnh lần lượt viết các bức thư theo yêu cầu của cơ sở, của các trinh sát an ninh huyện, xã gửi cho một số sĩ quan, binh lính, ngụy quyền, kêu gọi chúng chấm dứt gây tội ác, buông súng quay về với nhân dân, với cách mạng sẽ được khoan hồng, những ai ngoan cố sẽ bị trừng trị. Có những bức thư được chuyển tới một số nhà tư sản có cảm tình với cách mạng kêu gọi họ ủng hộ vật chất và họ thông qua cơ sở chuyển tiền đóng góp vào “Quỹ chống Mỹ cứu nước” ở địa phương.
Mặc dù Hiệp định Paris đã được ký kết ngày 27-1-1973, song địch tăng cường lực lượng chống phá. Chúng ra sức càn quét, bắn phá, bắt bớ, tra tấn bất cứ người dân nào chúng nghi ngờ là cộng sản. Ở thành phố cũng như các vùng địch tạm chiếm, chúng ép buộc nhân dân hoặc cho quân lính vẽ cờ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lên khắp tường nhà, cổng ngõ với ý đồ rằng: “Sau Hiệp định sẽ có Ủy ban giám sát quốc tế kiểm tra sẽ thấy nhiều vùng lãnh thổ đang bị Việt Nam cộng hòa kiểm soát, cộng sản bị đẩy lên núi thì làm sao có dân, có đất”. Nắm được chiến lược của địch, cả hệ thống chính trị cách mạng dồn lực lượng xuống cơ sở cắm cờ, giữ đất. Hằng ngày đạn bom liên tục cày xới khắp làng mạc, xóm thôn, lực lượng cách mạng và không ít chiến sĩ BANĐKQĐ hy sinh.
Đoàn quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh: T.L
Trước yêu cầu thực tiễn tình hình, Bộ CA tăng cường cho tổ điệp báo Đà Nẵng một số cán bộ, trong đó có ông Nguyễn Trọng Hồi, Phó phòng Chấp pháp CATP Hải Phòng. Nhận được tin báo của BANĐKQĐ vừa bắt giữ được 6 tên biệt kích xâm nhập vào một số căn cứ ở vùng B Đại Lộc để thăm dò tin tức, BANK5 liền cử ông Nguyễn Hạnh Kiểm và ông Nguyễn Trọng Hồi lên ngay Trại giam Quảng Đà đấu tranh, khai thác. Tại đây, ông Hoàng Văn Đan, Phó khu CA Hồng Bàng, Hải Phòng chi viện cho BANĐKQĐ đang làm Giám thị. Qua đấu tranh, được biết toán biệt kích này được đào tạo tại Trung tâm huấn luyện Sơn Trà, sau đó dùng máy bay trực thăng thả vào một số bìa rừng để lấn sâu vào căn cứ địa cách mạng và một số tên khác được chúng tung ra miền Bắc. Cũng tại trại giam, ông Kiểm, ông Hồi còn tiếp tục khai thác 1 đại úy, Chi khu trưởng Thượng Đức, một số sĩ quan an ninh quân đội, biệt đội sưu tầm... bị bắt giữ, do đó thu thập được nhiều thông tin về mạng lưới tình báo, gián điệp, cảnh sát của địch.
Nhân dân Đà Nẵng vui mừng chào đón quân giải phóng ngày 29-3-1975.
Sau khi tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, thủ phủ của địch ở Tây Nguyên, ngày 15-3-1975, ông Vũ Đình Cảnh được lãnh đạo BANK5 nhận mệnh lệnh mới. Hơn một ngày đường vất vả ông Cảnh mới về tới căn cứ Ban và được quán triệt Nghị quyết của Thường vụ Khu ủy Khu 5 quyết tâm giải phóng Đà Nẵng và giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho tổ điệp báo. Ngày 16-3, trên đường trở về, ông Cảnh gặp đoàn công tác của ông Hoàng Văn Lai, hỏi: “Ban gọi anh về có việc chi rứa?”- “Nhận lệnh chuẩn bị tấn công giải phóng Đà Nẵng anh à. Anh chưa biết hả?”-ông Cảnh trả lời và hỏi lại với ánh mắt đầy ngạc nhiên. “Có chứ. Mình mới nhận được điện của lãnh đạo BANK5 đây thôi”- ông Lai trả lời. Các ông Vũ Đình Cảnh, Nguyễn Hạnh Kiểm nhanh chóng củng cố một số tài liệu về tình hình địch, lập danh sách các trụ sở quan trọng của địch, nhất là các trụ sở của hệ cảnh sát đặc biệt, các tổ chức tình báo, gián điệp, biệt đội sưu tầm Vùng 1 chiến thuật đóng tại Đà Nẵng, địa chỉ nhà riêng của những tên ác ôn, những đối tượng nguy hiểm... để chuẩn bị phục vụ chiến dịch. Ngày 17-3, tổ điệp báo chia làm 2 mũi bí mật áp sát vùng ven thành phố để tiếp nhận thông tin từ nội thành báo ra. Nhiều cơ sở cho biết lúc này tình hình nội bộ địch ở phía bên trong rất hoang mang, bấn loạn, có một số binh sĩ đã đào ngũ, xe của lực lượng quân cảnh, cảnh sát hụ còi inh ỏi khắp đường phố truy lùng, tìm kiếm số binh lính bỏ trốn. Ngày 24-3, quân giải phóng tấn công chiếm lĩnh thủ phủ thị xã Tam Kỳ và tuyến đường Quốc lộ 1A bị cắt đứt, cô lập hoàn toàn thì bọn binh lính tại Đà Nẵng càng náo loạn. Ngày 26-3 bị tấn công dồn dập ở Huế, số tàn quân bại trận tại Huế chạy dồn về Đà Nẵng bằng nhiều loại phương tiện giao thông. Lúc này, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng I Chiến thuật kêu gào binh lính phải tử thủ Đà Nẵng đến cùng nhưng rạng sáng ngày 28-3, khi pháo của quân giải phóng nã liên hồi vào sân bay Đà Nẵng thì tướng Ngô Quang Trưởng cũng nhanh chóng xuống cảng nhảy lên tàu chuồn vào Sài Gòn, bỏ mặc đám tàn quân bệ rạc.
Mờ sáng ngày 29-3-1975, ông Vũ Đình Cảnh và ông Nguyễn Hạnh Kiểm hội ý nhanh và tiến vào thành phố. Lúc này có nhiều cánh quân của bộ đội và lực lượng BANĐKQĐ cũng ồ ạt tiến vào với nhiều mũi. Ông Kiểm hỏi ông Cảnh: “Chúng ta mặc trang phục thế nào khi vào thành phố?”- “Nếu mặc quần áo bình thường thì dễ bị dân và quân địch nhầm, không có lợi, đôi khi nguy hiểm nữa. Mình nên mặc quần áo quân giải phóng”-ông Cảnh trả lời. Thế là họ thay quần áo, đội mũ tai bèo, đeo thắt lưng súng ngắn K59 ra Quốc lộ 1 đón xe đò vào Đà Nẵng. Trên đường vào thành phố, từng đoàn binh lính cởi trần, không giày, không mũ, chỉ vỏn vẹn chiếc quần đùi dính trên người chạy về hướng ngược lại. Xe đến chợ Cồn, dân xúm lại “coi mấy ông cộng sản”. Ngay lúc đó có một phụ nữ nhận ra ông Kiểm, tiến sát đến chào hỏi và người phụ nữ ấy chính là cơ sở của ông được cài cắm trong nội thành. Thấy ông Kiểm nói chuyện thân mật với người phụ nữ, nhiều người xúm tới gần hơn, họ nhìn từ đầu đến chân “hai ông giải phóng”. Bỗng có tiếng ai đó trong đám đông: “Mấy anh giải phóng cũng giống như mình thôi chớ có khác chi mô. Họ như ri mà nói 7 người cộng sản ngồi trên cọng đu đủ không gãy, thật là sự bịp bợm, lừa dối”.

Thái Mỹ
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét