Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

[Ký sự] Những tháng ngày còn mãi (phần 3)

Những tháng ngày còn mãi (3)Cập nhật: Thứ năm, 26/3/2015 - 7h57'

Bài cuối: Tiếp quản các trụ sở bằng xe… đại tá ngụy
(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Hạnh Kiểm nhanh chóng dẫn ông Vũ Đình Cảnh đến ngay nhà anh Hà Nam, một cơ sở trên đường Thống Nhất. Theo sự chỉ dẫn của cơ sở Hà Nam, họ trưng dụng chiếc xe jeep của một đại tá ngụy ở gần đó đã chạy thoát thân vài hôm trước và giao cho anh Nam trực tiếp lái xe đi làm nhiệm vụ. Chiếc xe jeep tức tốc ập tới trụ sở Tổng lãnh sự Mỹ. Đến nơi, thấy cổng mở, bàn ghế vứt bừa bãi nhưng giấy tờ, tài liệu không có một mảnh, cái lò thiêu tài liệu trong góc phòng vẫn còn nóng hổi. Té ra trước khi rút chạy, chúng đã sử dụng chiếc lò này để hủy tài liệu. Xe tiếp tục chạy sang Trại huấn luyện biệt kích ở Sơn Trà, thu được một số tài liệu quan trọng. Tại đây, các trang thiết bị, vũ khí của biệt kích vẫn còn nguyên.
Hai ông khóa cổng Trại cẩn thận rồi dán niêm phong của Ủy ban Quân quản (UBQQ). Nhìn ra phía biển, lúc này có 3 chiếc tàu lớn, quân lính chen chúc, xô đẩy nhau lên tàu. Thỉnh thoảng lại có tiếng súng ì ầm từ xa vọng lại. Chiếc xe jeep quay về trung tâm thành phố thì cờ của quân giải phóng miền Nam đã phất phới tung bay trên Tòa thị chính. Ông Kiểm bảo anh Nam cho xe tới Nha Cảnh sát Trung phần. Vào các phòng, thấy nhiều loại tài liệu vẫn còn nguyên trên bàn, kho vũ khí vẫn khóa, hai người thu được một số tài liệu, phân công lực lượng tự vệ đường phố canh giữ kho vũ khí, các trang thiết bị quân sự.
Nhận được tin bộ phận tiền phương của BANĐKQĐ do ông  Hoàng Văn Lai chỉ huy đã chiếm lĩnh được Ty Cảnh sát Đà Nẵng ngụy trên đường Gia Long, ông Kiểm, ông Cảnh  đến báo cáo một số tình hình với ông Lai. Ông bảo: "Lực lượng ta đang có mặt trong thành phố. Một vài đơn vị đã chiếm giữ được sân bay Đà Nẵng, Tòa thị chính, Đài Phát thanh, Nhà máy điện, Nhà máy nước. 7 giờ tối nay chúng ta tập trung tại đây để bàn kế hoạch tiếp theo".  Tối đến, tại Ty Cảnh sát Đà Nẵng, ông  Lai nghe các cánh quân của BANĐKQĐ và tổ công tác của ông Cảnh, ông Kiểm báo cáo tình hình trong ngày và triển khai nhiệm vụ. Ông nói: "Một số cây cầu trên quốc lộ 1 đã bị địch phá làm hư hỏng trước khi rút chạy, bộ  đội chủ lực đang bắc cầu phao để tăng cường quân vào.
Theo tài liệu của chúng ta, hiện nay, toàn thành phố có khoảng hơn 10 vạn tên địch, chúng ta cần phải biết chúng đang ở đâu, đặc biệt là những đối tượng nguy hiểm để kêu gọi trình diện và truy bắt. Sáng mai tôi sẽ báo cáo Chủ tịch UBQQ Đà Nẵng bắt đầu làm thủ tục cho trình diện vào ngày 31-3". Sau một lát suy nghĩ, ông Lai nói: "Anh em BANĐKQĐ lâu nay đánh địch, diệt ác, phá kiềm, chưa có kinh nghiệm làm các thủ tục trình diện. Mấy anh của Bộ tăng cường có ý kiến gì hay về việc này không?".
Từng tham gia lập hồ sơ việc đăng ký trình diện khi tiếp quản Hải Phòng, là cán bộ CA tỉnh Thanh Hóa chi viện cho BANĐKQĐ cũng từng làm công tác đăng ký trình diện tại CATP Hà Nội khi giải phóng thủ đô nên ông Cảnh và ông Vọng phát biểu đề xuất một số công việc phải khẩn trương triển khai. Được ông Hồ Nghinh, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy 5, Chủ tịch UBQQ nhất trí, một số việc được giao cho các ngành như soạn lời tuyên truyền, kêu gọi binh lính nộp vũ khí, trình diện được giao cho Ban Tuyên huấn tỉnh, mẫu mã, nội dung khai báo, giấy chứng nhận trình diện... do ông Cảnh và ông Vọng soạn thảo rồi cho in ấn ngay. Cấp tỉnh chịu trách nhiệm đăng ký trình diện số sĩ quan từ đại úy trở lên, các đối tượng cầm đầu đảng phái phản động, số còn lại giao cho UBQQ cấp quận và cho xe đi các ngả đường kêu gọi đăng ký trình diện.
Cờ giải phóng tung bay trên Tòa thị chính Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh: T.L
Sáng 3-4, rất đông người đến trước trụ sở Tòa án trên đường Bạch Đằng, địa điểm đăng ký trình diện của UBQQ cấp tỉnh nhưng rất lâu vẫn không thấy ai vào bàn đăng ký vì họ sợ bị cách mạng bắt. Gần trưa mới thấy một người trông vẻ trí thức, mặc veston, đội mũ phớt bước vào bỏ mũ chào ông Cảnh. Sau khi ngồi, ông ta chìa tấm thẻ với chức danh Thị phó Hội An. Ông Cảnh làm thủ tục đăng ký và cấp giấy đã trình diện cho ông ta và bảo cứ yên tâm về nhà. Ông ta ngạc nhiên hỏi lại: "Thưa ông, tôi được tự do?". "Đúng vậy, ông cứ về tiếp tục khai báo những phần đã yêu cầu trong mẫu này"-ông Cảnh chỉ tay vào tờ giấy vừa đưa cho ông ta và nói. Nét mặt ông ta lộ rõ vẻ hớn hở, vui mừng. Thấy ông ta bình thản bước ra, 2 người khác từ ngoài bước vào, đưa ra 2 giấy chứng minh mang quân hàm trung tá thuộc Quân đoàn I ngụy.
Sau khi lập danh sách trích ngang, ông Cảnh  cấp giấy chứng nhận để họ ra về tiếp tục khai báo một số chi tiết theo yêu cầu. Thấy sĩ quan cấp tá cỡ bự ra trình diện rồi về lại gia đình, buổi chiều nhiều người chen nhau vào trình diện sớm, trong đó có người đưa giấy tờ để chứng minh mình là thủ quỹ kho bạc Đà Nẵng rồi đưa cho ông Cảnh chùm chìa khóa và nói rằng kho bạc hiện còn nguyên vẹn. Anh ta còn đưa cho ông Cảnh một số mẫu tiền ngụy quyền Sài Gòn giả để tiện việc phân biệt. Lát sau, một thiếu tá bảo quản kho tài liệu của cơ quan tình báo "Biệt đội sưu tầm" vào trình diện. Ông Cảnh khấp khởi mừng thầm, bởi đó là những tài liệu rất cần thiết mà lực lượng an ninh chưa thu giữ được. "Kho tài liệu ở đâu, còn không?"-ông Cảnh hỏi, giọng gấp gáp. "Dạ, thưa ông, còn nguyên, tôi vừa ở đó tới đây"-anh ta trả lời. Thế là ông Cảnh cùng ông Kiểm lên xe đến ngay kho tài liệu trên đường Nguyễn Du thì thấy một đơn vị bộ đội thông tin đang tiếp quản. Hai ông xuất trình giấy tờ với chỉ huy đơn vị và đề nghị đơn vị chuyển toàn bộ tài liệu vào một phòng lớn rồi niêm phong, giao cho quân đội bảo vệ...
Ngày 3-4, Đoàn binh vận, Bộ Quốc phòng đến yêu cầu tiếp nhận công tác đăng ký trình diện. Ông Hoàng Văn Lai đồng ý giao cho quân đội và chỉ đạo lực lượng an ninh tiếp tục nắm thông tin các tình báo, gián điệp, cảnh sát, nhân viên ngụy quyền để có kế hoạch xử lý phù hợp. Ngày 4-4, một đoàn cán bộ mang giấy giới thiệu của Ngân hàng Trung ương do người lính thủ kho kho bạc hôm nọ dẫn đến. Đoàn đề nghị ông Cảnh giao chùm chìa khóa các két sắt để Ngân hàng quản lý.
Ngày 5-4, thấy số binh lính trình diện thưa dần và dứt hẳn, ông Hoàng Văn Lai ra lệnh cho lực lượng an ninh tiến hành truy bắt các đối tượng ngoan cố, không chịu trình diện và qua đó một số đối tượng đã bị bắt, khám xét, thu giữ được nhiều tài liệu quan trọng. Được cơ sở phát hiện có một Tổng trưởng Tài chính (Bộ trưởng) của chính quyền Sài Gòn ra Đà Nẵng bị kẹt lại, đang ở trong nhà người thân, không chịu khai báo, ông Cảnh và ông  Kiểm tức tốc đến nơi. Khi thấy lực lượng an ninh, ông ta nhận ngay mình là Tổng trưởng. Ông Cảnh hỏi: "Ông thấy cộng sản ra sao?". "Tôi cứ tưởng cộng sản thế này, thế kia, ai ngờ các ông rất hiền và tốt quá, không phải như tôi và nhiều binh lính Việt Nam cộng hòa lầm tưởng".
Tổ công tác đưa ông ta về một địa điểm bí mật, giải thích sự khoan hồng của cách mạng, đồng thời đề xuất với cấp trên cho ông ta về lại Sài Gòn để tuyên truyền rằng không có sự tắm máu, thanh trừng của cộng sản ở các vùng vừa được giải phóng như địch từng lừa phỉnh. Được sự chỉ đạo của BANK5, tổ điệp báo liền cử người đưa ông ta vào Nha Trang, bàn giao cho tổ công tác của ông Hoàng Lượng để tiếp tục cho vào Sài Gòn. Ngày 9-4, Bộ CA điều động 250 CBCS của CATP Hải Phòng, CA tỉnh Thanh Hóa cho BANĐKQĐ bằng đường thủy và tất cả số này được Trưởng ban Hoàng Văn Lai bố trí ngay cho các đơn vị nghiệp vụ của Ban và an ninh các quận để tiếp tục giữ vững ANTT Đà Nẵng.

Thái Mỹ

Nguồn: http://cadn.com.vn/news/65_129411_nhu-ng-tha-ng-nga-y-co-n-ma-i-3-.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét