Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

[Ký sự] Những tháng ngày còn mãi

Những tháng ngày còn mãi
Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2015 - 7h30'
Bài 1: Tiền tuyến gọi, hậu phương đáp lời
(Cadn.com.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng an ninh Đặc khu Quảng Đà đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần làm ngời sáng các trang sử hào hùng của lực lượng CAND. Những tên đất, tên làng, những triền sông, bờ suối của xứ Quảng đều in đậm những bước chân của người chiến sĩ an ninh thời đạn bom khốc liệt. Và ở những nơi ấy cũng có không ít máu xương của những người chiến sĩ an ninh thấm sâu vào lòng đất để hóa thành khúc tráng ca bất tử, trong đó có cả những người con ưu tú từ quê hương sông Mã và TP hoa phượng đỏ chi viện cho mặt trận Quảng Đà. 
Để tăng cường lực lượng cho chiến trường Khu 5, tháng 9-1967, Bộ CA  quyết định điều động gần 100 CBCS thuộc CATP Hải Phòng chuẩn bị lên đường. Họ được tập trung ở Văn Môn, Thái Bình để quán triệt tình hình, nhiệm vụ mới chỉ vỏn vẹn có vài ngày rồi đi ngay, không kịp chia tay người thân, gia đình. Đoàn được ưu tiên ngồi chung với xe tải "Zin 3 cầu" chở gạo vào chiến trường. Đoàn xe vào tới địa phận Hà Tĩnh bị máy bay địch đánh phá dữ dội, nhiều cánh rừng Trường Sơn cháy trụi. Để đảm bảo an toàn, cấp trên cho xe chở lương thực đi trước, đoàn CBCS bắt đầu đi bộ trèo đèo, lội suối.
Sau gần 80 ngày vượt núi, xuyên rừng, họ đến căn cứ Ban An ninh Khu 5 (BANK5) đóng tại Thạnh Mỹ, H. Giằng, Quảng Nam. Ông Nguyễn Sanh Châu, Trưởng BANK5 tiếp nhận đoàn và ông Vũ Đình Cảnh, một cán bộ trong đoàn chi viện nhận ra ngay người lãnh đạo Ban, bởi trước đó ông Châu là Phó cục trưởng Cục Phản gián, Bộ CA được đưa vào làm Trưởng ban. Ông Châu bảo: "Hiện nay  Khu 5 ác liệt lắm. Anh em ở Ban mới từ chiến trường Quảng Đà về đây. Để phục vụ cho cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, BANK5 đã dồn lực lượng quyết tâm chiếm lĩnh Đà Nẵng, song bị lộ, địch phản công dữ dội, nhiều đồng chí hy sinh, cơ sở của an ninh trong nội thành bị phá vỡ không ít.
Khi rút về đây, không có gạo, anh em phải ăn sắn, rau rừng thay cơm, không có muối nhiều ngày". Dứt lời, ông Châu đưa tay áo gạt nước mắt làm cho CBCS trong đoàn ai cũng rưng rưng theo. Ngày hôm sau, đoàn được lệnh di chuyển về xã Nước Tông, H. Trà My để tăng gia sản xuất. Do ăn khoai sắn liên miên, sức khỏe của CBCS giảm sút trầm trọng, nhiều người ngã bệnh nên ông Châu cử trinh sát Vũ Đình Hòe, một chiến sĩ cũng từ CATP Hải Phòng vào trước phụ trách tổ công tác xuống đồng bằng tìm gạo.
Hơn 2 ngày luồn rừng, tổ lo liệu hậu cần cũng tiếp cận được một số cơ sở của Ban ở xã Trà Lãnh, H. Trà Bồng, Quảng Ngãi để nhận gạo do bà con nơi đây đóng góp, song con đường tiếp tế này cũng chẳng được bao lâu, vì địch phát hiện, liên tục đánh phá. Ban đêm, chúng thường dùng máy bay thả quả sáng, nã pháo cầm canh. Có lúc trực thăng địch đổ các toán biệt kích đánh chặn đường. Việc lấy gạo hết sức khó khăn và nguy hiểm, lãnh đạo Ban yêu cầu tỉa bắp, trồng khoai, mặt khác cử người đánh bắt cá ở suối, săn thú rừng để lấy sức chiến đấu lâu dài.
Đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm (áo trắng) trong dịp cùng lãnh đạo Bộ CA thăm hỏi Mẹ VNAH tại TP Đà Nẵng.
Một thời gian sau, đoàn CBCS CATP Hải phòng tăng cường được lãnh đạo BANK5 lần lượt đưa về các địa phương, quân số chủ yếu bổ sung cho Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà (BANĐKQĐ). Ông Nguyễn Văn Sửu, quê ở Phú Yên, nguyên Phó phòng Bảo vệ Chính trị CATP Hải Phòng giữ chức Phó ban An ninh tỉnh Phú Yên. Trên đường đi nhận nhiệm vụ mới thì bị địch phục kích, ông hy sinh. Bọn địch lấy ba lô, hành lý của ông đưa về TX Quảng Ngãi trưng bày, rêu rao "quân lực Việt Nam cộng hòa đã tiêu diệt được tên Việt cộng cỡ bự từ miền Bắc mới xâm nhập vào".
Các ông Hoàng Lượng, Nguyễn Đăng Vự, Nguyễn Văn Thanh, Vũ Đình Cảnh được lãnh đạo Ban điều về Phòng Điệp báo và công tác an ninh vùng địch (B3) và thành lập 3 tổ điệp báo. Ông Hoàng Lượng phụ trách tổ ở Nha Trang, thủ phủ Quân đoàn 2 ngụy, ông Nguyễn Đăng Vự, phụ trách tổ ở Quảng Ngãi, ông Vũ Đình Cảnh phụ trách tổ ở Đà Nẵng, thủ phủ của Quân đoàn I ngụy. Riêng tổ của ông Vũ Đình Cảnh được BANK5 bổ sung thêm ông Nguyễn Hạnh Kiểm (nguyên Giám đốc CA tỉnh QN-ĐN) và ông Nguyễn Hòa từ BANĐKQĐ sang.
Sau khi nhận nhiệm vụ từ người trưởng BANK5 và Trưởng phòng B3 Lê Lực, ông Nguyễn Hạnh Kiểm chọn địa bàn đứng chân ban đầu tại xã Phú Diên, H. Quế Sơn, bởi đây là vùng tranh chấp, có phong trào cách mạng khá mạnh, được nhân dân đùm bọc, chở che, có điều kiện thuận lợi cho công tác điệp báo nên lãnh đạo Ban đồng ý ngay. Ngày hôm sau, tổ điệp báo ông Vũ Đình Cảnh gấp rút xuống địa bàn, trên đường đi họ tranh thủ ghé lại nơi đứng chân của BANĐKQĐ gặp ông Hoàng Văn Lai, Trưởng ban để báo cáo một số tình hình, đồng thời đề nghị ông chỉ đạo lực lượng điệp báo của BANĐKQĐ và an ninh các quận, huyện để phối hợp.
Biết ông Vũ Đình Cảnh là người Hải Phòng chi viện, ông Hoàng Văn Lai hỏi, giọng ngậm ngùi: "Đồng chí ở CATP Hải Phòng, có biết đồng chí Phạm Văn Chữ cũng ở ngoài nớ được tăng cường cho Quảng Đà từ năm 1965 không?"- "Dạ thưa anh! Biết chứ. Anh Chữ hồi đó là Phó phòng Tổ chức cán bộ CATP Hải Phòng"- ông Cảnh trả lời. "Anh Chữ hy sinh rồi, mộ ảnh chôn ở gần đây thôi"-giọng ông Lai chùng xuống nghẹn ngào! Ông Hoàng Văn Lai liền cử người dẫn ông Cảnh đi thăm mộ ông Chữ nhưng khi đến nơi chỉ còn cái hố nho nhỏ vì lũ lụt đã cào cuốn hài cốt  ông đi mất. Chia tay ông Lai, các ông Vũ Đình Cảnh, Nguyễn Hạnh Kiểm và Nguyễn Hòa xuống xã Phú Diên. Đây là xã nằm sát Quốc lộ 1A, rất tiện liên lạc với cơ sở trong thành phố, lại có rất nhiều đồi núi, lau lách um tùm, dễ dàng che mắt địch.
Đến nơi, tổ điệp báo chọn địa điểm dựng lán, đào hầm bí mật, hầm tránh pháo để đồn địch ở gần đó cũng như máy bay trinh sát không phát hiện, đồng thời từng bước liên lạc với các cơ sở để tiếp nhận thức ăn. Do có nhiều cơ sở từ lúc còn ở BANĐKQĐ nên ông Nguyễn Hạnh Kiểm đã nhanh chóng xây dựng được nhiều cơ sở nên từ đó tổ điệp báo rất thuận lợi cho việc phát triển rộng hơn mạng lưới, đặc biệt là công tác tuyển chọn cơ sở hoạt động hợp pháp để ra vào dễ dàng trong nội thành. Mặt khác, đích thân các ông Nguyễn Hạnh Kiểm, Nguyễn Hòa hóa trang nhiều vai để luồn sâu trong lòng địch, triển khai các biện pháp cài cắm cơ sở, đồng thời tuyên truyền, thuyết phục một số người tốt làm giao liên, đặc biệt mẹ ông Nguyễn Hạnh Kiểm ở xã Điện Hòa, H. Điện Bàn đã mưu trí, dũng cảm vượt qua hàng rào lưỡi lê, họng súng của kẻ địch căng dày ngày đêm tiếp tế lương thực, thực phẩm cho tổ điệp báo.
Do có tin từ mật báo viên, một ngày thượng tuần tháng 7-1972, địch triển khai lực lượng với nhiều sắc lính tập kích vào địa bàn hoạt động của tổ điệp báo. Tổ công tác vừa chiến đấu, vừa tìm cách rút lui. 2 chiến sĩ an ninh vũ trang của tổ điệp báo có nhiệm vụ bảo vệ cho các cán bộ của tổ mỗi khi gặp khó khăn cũng như những lúc họ xâm nhập vào nội thành là Tân và Trung đã kiên cường chiến đấu và ngã xuống khi tuổi đời còn phơi phới sức xuân.
Thái Mỹ 
(còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét